Giai đoạn sau 1975 Nhạc đỏ

Sau 1975, một số nhạc sĩ trong Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe như Tôn Thất Lập sau khi ra Bắc học ở Nhạc viện Hà Nội, cũng sáng tác một số bài hát có nội dung cổ vũ lao động, xây dựng, và cũng được xem là nhạc đỏ.

Đến thời kỳ Đổi mới, những dòng nhạc khác được phép lưu hành song song, nhưng nhạc đỏ vẫn được ưu tiên nâng đỡ và lưu truyền tại các đoàn thể thanh niên, sinh viên, học sinh và tại các nhà hát, tụ điểm ca nhạc thuộc các đoàn thể trên hoặc của nhà nước. Những bài nhạc đỏ được phổ biến trong thời kỳ này ôn hòa hơn, không thể hiện tính chiến đấu và diệt địch nữa, mà thay vào đó là ca ngời tinh thần lao động, xây dựng đất nước.[cần dẫn nguồn]

Các nhạc sĩ trụ cột của dòng nhạc đỏ Việt Nam như Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Hồ Bắc, cùng các thế hệ đi tiếp sau như Phú Quang, Trần Tiến, Nguyễn Cường vẫn tiếp tục sáng tác các tác phẩm khí nhạc, hợp xướng và ca khúc.

Từ đầu thập niên 1980 nhạc đỏ bao gồm các tác phẩm nhạc nhẹ hay có phong cách nhạc nhẹ. Nhưng dòng có chất cổ điển vẫn là chủ đạo. Sang thập niên 2000 nhiều bài ca yêu nước mang phong cách nhạc trẻ của thế hệ nhạc sĩ trẻ, như Việt Nam ơi của Minh Beta, Những trái tim Việt Nam của Phương Uyên, Việt Nam trong tôi là của Yến Lê, Lá cờ của Tạ Quang Thắng, Sẽ chiến thắng- Việt Nam sẽ chiến thắng của Nguyễn Hải Phong, Chúng Tôi Là Công An Nhân Dân của Phạm Tiến Dũng... .